Biện pháp thi công lắp đặt tủ điện hạ thế MSB tại công trường gồm các bước cơ bản như sau:

Chuẩn bị mặt bằng

Mặt bằng đặt tủ phải sạch sẽ, bằng phẳng. Sai lệch cao độ không quá 2mm / 1m chiều dài dãy tủ (Xem hình 5).

Tủ điện nên để khoảng trống phía sau lưng cách tường 1200mm để mở cánh tủ và có không gian cho người thao tác vận hành sửa chữa (Xem hình 5).

Phía mặt trước tủ nên để khoảng trống ít nhất 1200mm để có thể mở được cửa, có không gian thực hiện việc bảo dưỡng tủ hoặc khi cần thiết có thể sử dụng thiết bị nâng.

Để khoảng trống dự phòng cho việc mở rộng tủ về sau (Nếu cần thiết).

Nếu cáp vào từ nóc tủ để khoảng trống ít nhất 600mm phía trên tủ (Xem hình 5). Trường hợp cáp vào từ đáy tủ, có 2 trường hợp dưới đây:

Cáp đi qua mương cáp phía dưới đáy tủ: Trường hợp này độ sâu mương cáp phải đảm bảo tối thiếu 600mm để đủ độ uốn vòng của cáp (Xem hình 5)

Ghép các khoang tủ

Gỡ bỏ tất cả phần bao bọc khi vận chuyển tủ để chuẩn bị cho công tác lắp đặt.

Tháo các tấm hồi và các phần phụ khác để thuận tiện cho quá trình thao tác trong tủ.

Đặt khoang tủ tổng vào đúng vị trí cần lắp trên mặt bằng và bắt chặt xuống nền bằng bulong M12 dùng các lỗ có sẵn trên đế tủ (Xem hình 6).

Dựa theo bản vẽ bố trí vị trí các tủ để đặt các khoang tủ còn lại theo đúng vị trí đã đưa ra, khi ghép phải đặt khoang tủ tiếp theo cạnh khoang tủ tổng (Nên ghép các khoang tủ từ giữa ra hai bên để đảm bảo độ chính xác).

Khoang tủ thứ 2 ghép với khoang tủ thứ nhất bằng bulong M10 dùng các lỗ đã có sẵn trên khung tủ.

Làm tương tự cho các khoang tủ còn lại.

Khi ghép các khoang có nối thanh cái với nhau phải dùng thước li vô hoặc phương pháp chiếu tia laze để định vị các thanh cái cần nối theo phương ngang và phương thẳng đứng.

Chú ý: Trường hợp mặt sàn kê tủ không phẳng, phải kê các khoang tủ cho cân trước khi dùng bulong bắt cố định. Nên dùng con dọi để đảm bảo khoang tủ đầu tiên được lắp thẳng đứng trên sàn.

Hình 6

Nối các thanh cái và tiếp địa 

Nối các thanh cái đồng theo trình tự như trong hình 7 bên cạnh.

Để bản đồng nối phía dưới thanh cái đồng rồi đẩy lên vào giữa các khe của thanh cái.

Gióng thẳng hàng các lỗ để xỏ bulong.

Bắt bulong, long-đen và ê cu.

Chiều dài bulong phụ thuộc vào số thanh đồng cần nối và khoảng cách cách điện yêu cầu.

Siết chặt tất cả các Ê-cu với mô-men yêu cầu dùng cờ-lê lực như trong bảng dưới đây.

Hình 7

Trong một vài trường hợp, để thuận lợi cho quá trình lắp bản đồng nối, có thể tạm thời tháo thanh kẹp sứ đỡ thanh cái ra. Sau khi đã lắp xong tất cả các bản nối đồng  phải lắp trả lại với mô-men lực siết như trong hình 8 bên cạnh.

Sau khi đã siết chặt, đánh dấu vào ê-cu với một vệt sơn màu.

Lưu ý: Tất cả các bu lông sau khi siết chặt phải dư tối thiểu 3 ren sau ê cu

Nối cáp động lực

Trước tiên nối đất phần thanh tiếp địa của tủ để đảm bảo an toàn cho người thao tác nếu nối 1 lộ cáp mới vào hệ thống tủ đang vận hành.

Phải rất cẩn thận khi đấu cáp, tránh để tác động lực cơ học lớn vào phần đầu cực của thiết bị (Xem hình 9).

Sau khi đấu cáp xong phải bó các sợi cáp cùng một mạch lại với nhau. Số sợi cáp trong mỗi bó phụ thuộc vào đường kính của cáp.

Đấu cáp lực vào tủ có hai trường hợp sau:

Sử dụng ốc siết cáp PG:

  • Lắp ốc siết cáp với các tủ yêu cầu cấp bảo vệ IP44 trở lên vào kích thước phù hợp vào các lỗ đột sẵn trên đáy (nóc) tủ xem hình 10 dưới đây.
  • Luồn cáp qua ốc siết cáp trước khi ép đầu cốt, không được uốn cong cáp ở điểm đi qua ốc siết cáp.
  • Sau khi đã đấu cáp vào thiết bị và bó thẳng cáp phải vặn chặt ốc siết cáp lại.

Hình 10

Trường hợp không sử dụng ốc siết cáp PG

  • Tấm bịt nóc (đáy) tủ thường được chia thành nhiều tấm nhỏ         
  • Tháo tấm bịt nóc (đáy) tủ để luồn cáp vào, lưu ý chỉ tháo một số tấm để đủ số lượng sợi cáp vào, không tháo toàn bộ các tấm bịt.
  • Đấu cáp vào thiết bị (thanh cái) rồi bó chặt cáp vào thanh đỡ cáp
  • Sau khi đấu cáp xong phải bịt các lỗ hở còn lại bằng đất công nghiệp để tránh côn trùng chui vào trong tủ.

Lưu ý:

  • Nếu sử dụng cáp nhôm thì phải dùng đầu cốt lưỡng kim khi đấu vào thanh cái đồng.
  • Khi đấu nhiều cáp vào các thanh cái cùng một pha ta bắt các đầu cốt đối diện nhau và dùng thêm một miếng đồng đệm cung cấp kèm theo tủ.
  • Tất cả được bắt chặt bằng bu-lông và ê-cu với mô-men lực siết như trong bảng ở trên

Nối cáp điều khiển từ thiết bị bên ngoài vào tủ

Tất cả các tín hiệu từ thiết bị trong tủ cần kéo ra ngoài đều được đưa lên cầu đấu điều khiển, cáp từ ngoài nối vào chỉ việc đấu vào các cầu đấu (Hình 11).

Cáp điều khiển phải được đi trong máng cáp, không được lấp đầy quá 70% diện tích lòng máng. Khi đi cáp điều khiển trong máng cáp thì không nên bó cáp lại với nhau (Hình 12).

Hình 12

Kiểm tra tủ trước khi đóng điện

  • Kiểm tra bỏ tất cả những vật có thể gây ảnh hưởng tới việc vận hành của tủ điện (mẩu dây vụn, bu-lông, ê-cu, các dụng cụ…).
  • Hút bụi toàn bộ tủ.
  • Vận hành kiểm tra thử mạch điều khiển của tủ.
  • Cấp điện và thử vận hành mạch theo logic điều khiển trên bản vẽ hoặc bản mô tả đính kèm.
  • Tiến hành đo kiểm tra cách điện toàn bộ.
  • Kiểm tra cách điện của mạch điều khiển.
  • Đo cách điện bằng MΩ và hệ thống phải được cấp điện áp ít nhất 500Vdc.
  • Điện trở cách điện đo được giữa Pha – Pha; Pha – Trung tính phải đạt ít nhất 5MΩ.
  • Nếu giá trị điện trở cách điện đo được thấp hơn yêu cầu ta phải sấy khô tủ (bằng điện trở, bóng đèn) trong 24h và thực hiện đo lại.

Lưu ý: Khi đo điện trở cách điện cần phải ngắt tất cả các thiết bị đóng cắt chính (ACB, MCCB), các cầu chì cho đèn báo pha của đường nguồn từ máy biến áp và máy phát về tủ trước khi đo.

  • Các thí nghiệm kiểm tra sơ bộ đã được thực hiện tại nhà máy trước khi xuất xưởng (xem biên bản thí nghiệm xuất xưởng).
  • Các bước kiểm tra cuối cùng.
    • Kiểm tra tiếp xúc giữa các phần dẫn điện khác nhau của tủ (long-đen, dây tiếp địa chạy lên cánh tủ…).
    • Kiểm tra độ chặt của tất cả các điểm đấu nối điện, cơ khí và bulong bắt cố định tủ bằng cách sử dụng cờ lê lực.
  • Các mục cần kiểm tra khác.
    • Độ vững chắc của các thiết bị.
    • Kiểm tra nhãn mác, đánh dấu trên tủ điện, trên mạch lực và mạch điều khiển.
    • Kiểm tra tất cả các bề mặt ngoài và lớp sơn. Sơn chấm lên trong trường hợp bị xước hoặc hư hỏng.

Có thể bạn quan tâm: Khóa học Kỹ thuật thi công hệ thống cơ điện