Ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành PCCC theo QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
1. Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây:
Các công trình này được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, bảo đảm theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn bảo đảm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.
Các công trình đã được góp ý cơ sở PCCC theo QCVN 06:2021 nay nộp vào thẩm duyệt, chủ đầu tư được lựa chọn tiếp tục sử dụng QCVN 06:2021 để thiết kế kỹ thuật. Theo đó, được thiết kế giải pháp bọc bảo vệ kết cấu bằng thạch cao theo phụ lục F, áp dụng diện tích khoang cháy theo quy định của QCVN 06:2021 mà theo QCVN 06:2022/BXD hiện không cho phép.
Các công trình đã được thẩm duyệt theo QCVN 06, TCVN 3890 phiên bản cũ, nay thẩm duyệt điều chỉnh mà thiết kế điều chỉnh không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì cho phép áp dụng phiên bản QCVN 06, TCVN 3890 tại thời điểm cấp giấy thẩm duyệt để thẩm duyệt điều chỉnh mà không phải sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để không làm thay đổi giải pháp an toàn cháy tổng thể của công trình.
2. Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đề xuất áp dụng một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới ban hành có yêu cầu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây:
Thì có thể nghiên cứu để thẩm duyệt theo nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Một số trường hợp cụ thể của QCVN 06:2022/BXD như:
+ Mở rộng diện tích khoang cháy: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, nhà sản xuất có kết cấu khung thép mái tôn, bậc chịu lửa IV có diện tích khoang cháy không quá 2.600 m2 (không quá 5.200 m2 khi có chữa cháy tự động), trường hợp chủ đầu tư muốn nâng bậc chịu lửa của công trình để mở rộng diện tích khoang cháy thì phải sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ cấu kiện bằng các vật liệu ngăn cháy. Hiện nay có thể hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD để diện tích khoang cháy được tăng đến 25.000 m2 và không cần nâng bậc chịu lửa của công trình, không yêu cầu sơn, bọc chống cháy cho kết cấu thép.
Trường hợp đã kiểm định sơn chống cháy theo Nghị định 79 cho từng công trình cụ thể thì tiếp tục thi công và tổ chức nghiệm thu theo giấy chứng nhận kiểm định đã có cho sơn chống cháy; Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa kiểm định hoặc không kiểm định được, nếu không thẩm duyệt điều chỉnh thì có thể lựa chọn 1 số loại sơn chống cháy đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định (đạt giới hạn chịu lửa 90 phút) để sơn bổ sung lớp sơn chống cháy hoặc thay thế bằng lớp sơn chống cháy cho phù hợp với giấy chứng nhận kiểm định mẫu sơn mới;
+ Khoảng cách an toàn PCCC:
Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, khoảng cách an toàn PCCC giữa 02 nhà xưởng bậc chịu lửa IV, V yêu cầu không nhỏ hơn 18 m, có thể hướng dẫn thẩm duyệt điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD để khoảng cách này được giảm xuống, chỉ yêu cầu hơn 6 m khi xác định theo đường giới hoặc đường quy ước.
+ Giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực:
Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, tường ngoài không chịu lực của các nhà có bậc chịu lửa I yêu cầu có giới hạn chịu lửa E30, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD và chú thích 6 Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD để điều chỉnh thiết kế, không yêu cầu giới hạn chịu lửa tường ngoài. Điển hình như các nhà cao tầng, nhà xưởng khi đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC và nhà đã trang bị hệ thống chữa cháy tự động thì không cần thiết kế lắp đặt hệ tường, kính mặt ngoài bằng tường, kính chống cháy. Ngoài ra với các nhà xưởng hạng D,E, công trình thấp tầng (từ 3 tầng trở xuống, chiều cao PCCC dưới 15m) không có hệ thống chữa cháy tự động khi bảo đảm khoảng cách PCCC theo bảng E3 thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa tường mặt ngoài E15.
+ Lối thoát nạn:
Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các khoang cháy phải có các lối ra thoát nạn độc lập, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.2.4 QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, cho phép không quá 50% lối thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận, qua đó giảm số lối thoát nạn của nhà.
+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các căn hộ bố trí ở 2 cao trình (căn hộ thông tầng), khi chiều cao của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng, có thể hướng dẫn áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu bố trí lối thoát nạn từ mỗi tầng.
+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, số lối thoát nạn của tầng nhà phải không ít hơn 2 lối trong hầu hết các trường hợp, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.6.2.2 QCVN 06:2022/BXD để chỉ bố trí 01 lối thoát nạn cho các trường hợp công trình có quy mô nhỏ (chiều cao PCCC đến 15 m, diện tích không quá 300 m2 hoặc chiều cao PCCC đến 21 m, diện tích không quá 200 m2), có trang bị hệ thống Sprinkler, số người mỗi tầng không quá 20 người. Ngoài ra tại các khu du lịch có các nhà biệt thự, villa nghỉ dưỡng từ 3 tầng trở xuống cho phép 1 lối ra thoát nạn qua cầu thang hở loại 2 và 1 lối ra khẩn cấp qua ban công.
+ Giao thông phục vụ chữa cháy:
Tại một số địa phương có các cơ sở đặc thù nằm ở vùng đồi núi, sông nước (như biệt thự nghỉ dưỡng ở đồi núi, đảo, cồn cát…), Công an địa phương có thể căn cứ trên đặc điểm hiện trạng của từng khu vực, trang thiết bị phương tiện PCCC ở hiện có của địa ph
ương mình để phối hợp với cơ quan về xây dựng tại địa phương ban hành các quy định riêng về đường và bãi đỗ cho xe chữa cháy phù hợp với điều kiện phương tiện chữa cháy tại địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các công trình này theo quy định tại Điều 7.4 QCVN 06:2022/BXD.
+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các công trình có quy mô lớn yêu cầu phải bố trí bãi đỗ cho xe chữa cháy với chiều dài cho toàn bộ chu vi nhà, có thể áp dụng quy định tại Bảng 15, Bảng 16 QCVN 06:2022/BXD để chỉ phải bố trí bãi đỗ bao quanh mặt bằng nhà, không yêu cầu phải bố trí ở một số vị trí có thiết bị công nghệ.
+ Ngăn cháy lan:
Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các phần nhà và gian phòng có công năng khác nhau phải được ngăn cháy bằng các kết cấu ngăn cháy, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 4.5 QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu phải ngăn cháy giữa công năng chính và công năng phụ trợ khi công năng chính chiếm tối thiểu 90% diện tích sàn (ví dụ trường hợp nhà xưởng có phần công năng văn phòng phụ trợ chiếm không quá 10% diện tích nhà xưởng thì không yêu cầu phải ngăn cháy giữa khu vực sản xuất và khu vực văn phòng).
+ Cấp nước chữa cháy ngoài nhà:
Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng, khoảng cách tối thiểu giữa trụ nước chữa cháy ngoài nhà đến công trình là 5 m, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 5.1.4.6 QCVN 06:2022/BXD để chỉ yêu cầu khoảng cách này không nhỏ hơn 1 m.
Đây là các hướng dẫn và quy định cụ thể trong QCVN 06:2022/BXD mà chủ đầu tư, đơn vị thiết kế có thể áp dụng để cải tiến và thực hiện các công trình PCCC một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn cháy cho các công trình xây dựng.
3. Về tính toán kết cấu chịu lửa như sau:
Đối với các công trình có kết cấu cột bê tông cốt thép và sàn từng tầng bằng bê tông cốt thép (đối với nhà nhiều tầng), bộ phận mái gồm dầm, giàn, xà gồ bằng thép không được bảo vệ, trong hồ sơ thiết kế, đơn vị thiết kế có năng lực thuyết minh, tính toán rõ ràng bộ phận này không tham gia vào độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà trong trường hợp cháy. Đơn vị có trách nhiệm về kết quả này và có thể giới hạn chịu lửa các bộ phận này là kết cấu mái (không phải cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác của nhà). Tùy thuộc vào giới hạn chịu lửa của các bộ phận này đạt R15, REI15, R30, RE30, xác định bậc chịu lửa của nhà là bậc I hoặc bậc II. Về xác định hệ số tiết diện Am/V hoặc tính toán R8 với kết cấu thép không bọc bảo vệ, nếu giới hạn chịu lửa tối thiểu của cấu kiện yêu cầu là R/REI 15, chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư và tư vấn thiết kế thể hiện tính toán trên hồ sơ thiết kế, cán bộ thẩm duyệt không cần thiết phải kiểm tra lại.
Tường ngoài và mái nhà làm bằng tôn được xác định có giới hạn chịu lửa là E15, RE15 khi hồ sơ thiết kế có thuyết minh. Không yêu cầu thử nghiệm để chứng minh giới hạn chịu lửa cho các bộ phận này khi kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
4. TCVN 3890:2023 đã có một số điều bớt so với TCVN 3890:2009 như sau:
Bỏ yêu cầu về đối tượng cấp nước ngoài nhà; không yêu cầu trang bị hệ thống báo cháy tự động cho các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy D, E; Đối với gian phòng trong nhà sản xuất, nhà kho đã trang bị hệ thống chữa cháy tự động có kết nối liên động với trung tâm báo cháy, cho phép không trang bị đầu báo cháy tự động. Do đó, có thể hướng dẫn áp dụng quy định của TCVN 3890:2023 để thẩm duyệt điều chỉnh giảm bớt việc trang bị cho chủ đầu tư.
5. Về yêu cầu thẩm duyệt cải tạo theo quy định điểm b, khoản 3 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở khắc phục yêu cầu kiến nghị của cơ quan cảnh sát PCCC theo kế hoạch 513, trong đó có các cơ sở karaoke và vũ trường:
a) Việc chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt và đưa vào hoạt động không xem xét là cải tạo để thực hiện thẩm duyệt theo Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD. Sau khi khắc phục xong theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt và đưa vào hoạt động, chủ cơ sở cần báo cáo cơ quan Công an để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.
b) Một số trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP:
– Khi thay đổi tính chất sử dụng, chuyển đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (bao gồm cả trường hợp cơ sở trước đây không thuộc diện thẩm duyệt và đến nay thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
– Khi cải tạo trong các trường hợp:
- Làm tăng quy mô của khoang cháy hoặc nhà (như tăng số tầng (bao gồm cả tầng hầm), chiều cao PCCC, diện tích, khối tích,…);
- Làm tăng tính nguy hiểm cháy đối với vật liệu xây dựng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vật liệu trang trí, cách âm từ vật liệu không cháy, khó bắt cháy sang các vật liệu dễ bắt cháy hoặc vật liệu có cấp nguy hiểm cháy cao hơn,…);
- Làm giảm giới hạn chịu lửa hoặc tăng mức nguy hiểm cháy đối với cấu kiện của khoang cháy hoặc nhà (như giảm giới hạn chịu lửa của vách và cửa trên vách ngăn hành lang từ EI 30 thành EI 15 hoặc kính thường; giảm giới hạn chịu lửa tường ngoài không chịu lực…);
- Làm thay đổi giải pháp thoát nạn của khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vị trí, số lượng, chủng loại lối ra thoát nạn, cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn…);
- Làm thay đổi hệ thống bảo vệ chống cháy (hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng; các hệ thống chữa cháy; hệ thống chống tụ khói; phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; thang máy chữa cháy; giải pháp cấp điện cho hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan đến PCCC) như thay đổi thông số kỹ thuật thiết bị chính của hệ thống (thông số tủ trung tâm báo cháy, máy bơm cấp nước chữa cháy, bình chứa khí trong hệ thống chữa cháy tự động, quạt tăng áp, hút khói,…) hoặc nguyên lý hoạt động chung (bổ sung thêm hệ thống mới cho gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; thay đổi phân vùng hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, hệ thống hút khói; thay đổi nguyên lý kích hoạt các van của hệ thống chữa cháy…). Việc dịch chuyển vị trí thiết bị của hệ thống (vị trí đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler, đầu phun khí chữa cháy, đường ống, miệng tăng áp, hút khói,…) không làm thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị hoặc nguyên lý hoạt động chung của hệ thống thì không bắt buộc thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
c) Khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì phải áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong phạm vi các cải tạo đó.
Cơ sở trước đây thuộc đối tượng thẩm duyệt nhưng chưa thực hiện thẩm duyệt và đến nay thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì lập hồ sơ cải tạo để thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đến nay không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động, chủ cơ sở cần tổ chức khắc phục ngay và không yêu cầu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Sau khi khắc phục xong, cần báo cáo cơ quan Công an để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.
Cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt và đưa vào hoạt động. Sau khi khắc phục xong, cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.
6. Về hệ thống cấp không khí bù theo Phụ lục D của QCVN 06:2022/BXD:
Các yêu cầu kỹ thuật cho hệ thống này đã được quy định chi tiết tại Phụ lục D của QCVN 06:2022/BXD. Để thiết kế hệ thống chi tiết, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế cần tham khảo, áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài như quy định tại Điều 8 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021. Việc này không cần phải có sự chấp thuận từ Bộ Công an theo quy định tại Khoản 5 của Điều 8 của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013, vì đây không phải là hệ thống PCCC. Các kết quả tính toán sẽ được trình bày trong hồ sơ để được thẩm duyệt.
7. Về hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho một số loại hình công trình đặc thù theo QCVN:
Đối với các loại hình công trình như cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, áp dụng các quy định của các tiêu chuẩn như QCVN 01:2019/BCT (về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuộc nổ), TCVN 5307:2009 (về kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ) để xác định lưu lượng và khối tích nước chữa cháy.
Đối với cửa hàng xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt, áp dụng Bảng 8 của QCVN 06:2022/BXD để xác định lưu lượng nước chữa cháy (5 l/s ở vùng nông thôn và 10 l/s ở thành thị). Các cơ sở này có thể sử dụng cấp nước chữa cháy từ trụ nước chữa cháy, ao hồ tự nhiên hoặc các bể nước trong bán kính 200 m.
8. Về yêu cầu mục đích sử dụng đất phù hợp với công năng của công trình:
Về phần chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp được đưa vào hồ sơ để thẩm duyệt thiết kế PCCC. Nội dung này chỉ liên quan đến mặt kỹ thuật theo quy định tại Khoản 5 của Điều 13 của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, không yêu cầu xem xét về mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu phát hiện bất thường, cần thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng,…) để xử lý theo quy định về quản lý đất đai và cấp phép xây dựng.
9. Đối với công trình đã đưa vào sử dụng nhưng cần được cải tạo và chủ đầu tư đã thất lạc bản vẽ đã được thẩm duyệt, không đủ hồ sơ theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Công an địa phương hướng dẫn chủ đầu tư lập bản vẽ hoàn công hiện trạng và công văn cam kết hiện trạng công trình vẫn duy trì đúng quy mô, công năng so với thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu trước đây. Đồng thời sử dụng biện pháp nghiệp vụ bằng việc xem xét các biên bản kiểm tra định kỳ qua các thời kỳ của hồ sơ quản lý cơ sở. Trường hợp xác định được công trình vẫn đáp ứng các điều kiện an toàn PCCC so với trước đây thì có thể thẩm duyệt điều chỉnh cải tạo cho cơ sở. Ngoài ra, dự thảo Nghị định 136 sửa đổi sắp tới sẽ không quy định thành phần nộp hồ sơ cải tạo phải có bản vẽ đã được thẩm duyệt.
Đối với nghiệm thu về PCCC
1. Nghiệm thu từng phần
Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho chủ đầu tư nhanh chóng nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng phù hợp với tiến độ, giai đoạn đầu tư, cần hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc hạng mục công trình nghiệm thu phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công. Đảm bảo trên cơ sở phù hợp với quy định về nghiệm thu hạng mục công trình theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Việc bảo đảm tính độc lập của nhà dân dụng (cao tầng, công nghiệp) cần đánh giá đầy đủ các giải pháp an toàn PCCC bao gồm giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp về kết cấu, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, các hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan và không bị ảnh hưởng bởi việc thi công, hoàn thiện của hạng mục khác, khu vực chưa nghiệm thu và khu vực đang thi công phải ngăn cách, tách biệt bảo đảm khả năng hoạt động bằng các giải pháp ngăn cháy lan, đường ống cấp nước chữa cháy, loop báo cháy, lối thoát nạn… Ví dụ với nhà cao tầng có thể nghiệm thu trừ khu vực khối đế khi xác định được khu vực này bảo đảm được ngăn cháy với khu vực xung quanh, cách ly được hệ thống báo cháy, chữa cháy, hút khói giữa khu vực được nghiệm thu và khu vực khối đế, các hệ thống bảo vệ chống cháy (phòng trực điều khiển chống cháy, sảnh tòa nhà, lối ra thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài tại tầng 1, trạm bơm, trạm biến áp, máy phát điện bảo đảm khả năng hoạt động tách biệt với khu vực nghiệm thu); Trong 1 nhà xưởng 3 tầng kết cấu cột, sàn bê tông, tầng trên cùng mái thép có thể nghiệm thu tầng 1, tầng 2 trừ tầng 3 khi bảo đảm tính độc lập về kết cấu (tầng 1, 2 vẫn bảo đảm bậc chịu lửa bậc I, II), thang bộ thoát nạn có thể lên mái, hệ thống bảo vệ chống cháy độc lập tương tự như nhà cao tầng…
Đối với hạ tầng khu công nghiệp có thể nghiệm thu từng phần khi bảo đảm khu vực hạ tầng được nghiệm thu hoạt động độc lập (đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận, hệ thống cấp nước ngoài nhà bảo đảm lưu lượng, đấu nối mạch vòng, trang bị xe chữa cháy đối với khu có quy mô từ 50 ha trở lên).
2. Về việc nghiệm thu đối với kết cấu được bọc bảo vệ
Các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC với giải pháp bọc bảo vệ kết cấu theo Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD mà trong QCVN 06:2022/BXD không còn quy định thì khi nghiệm thu không yêu cầu phải kiểm định cho các kết cấu bọc bảo vệ này mà chỉ kiểm tra việc thi công phù hợp với thiết kế được duyệt và quy định tại Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD.
Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy: hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung tính toán thiết kế kết cấu chịu lực công trình trong điều kiện làm việc chịu lửa, thực hiện bởi đơn vị tư vấn, cá nhân tư vấn bảo đảm điều kiện, năng lực theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả tính toán; sau đó căn cứ vào điều kiện thực tế đã thiết kế, thi công của từng dự án, công trình (kết quả tính toán thiết kế chịu lửa, loại sơn chống cháy đã sử dụng, hiện trạng thi công công trình) để có phương án tháo gỡ như: có thể cho phép thi công bổ sung lớp sơn chống cháy để bảo đảm giới hạn chịu lửa; thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy…
3. Yêu cầu đối với vật liệu hoàn thiện trên đường thoát nạn, gian phòng sử dụng chung:
Hướng dẫn chủ đầu tư sử dụng các vật liệu đã được nhà sản xuất công bố hợp chuẩn hoặc thử nghiệm đạt yêu cầu để sử dụng chung cho nhiều công trình, không yêu cầu phải có thử nghiệm tính nguy hiểm cháy cho vật liệu hoàn thiện riêng cho từng công trình. Tài liệu thử nghiệm chứng minh vật liệu của các gian phòng hát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần tương ứng với thời điểm cơ sở thẩm duyệt, đưa vào sử dụng, ví dụ cơ sở đã thẩm duyệt, hoạt động trước thời điểm QCVN 06:2022 có hiệu lực thì chỉ yêu cầu chứng minh là vật liệu khó cháy, không yêu cầu chứng minh cấp nguy hiểm cháy CV1 (tính cháy, tính bắt cháy, khả năng sinh khói, độc tính) theo QCVN 06:2022/BXD.
4. Về giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy “trước khi đưa vào lưu thông”; theo quy định tại mục b, khoản 3.1.1 QCVN 03:2021/BXD “Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường”. Do đó, không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy theo từng dự án, công trình. Các chủ đầu tư có thể tự do lựa chọn các phương tiện PCCC được nhà sản xuất công bố đã được thử nghiệm, kiểm định mẫu đạt chất lượng theo quy định.
5. Kiểm định sơn chống cháy đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy
Đối với các dự án, công trình thi công sơn chống cháy đã được kiểm định cho công trình theo quy định tại Nghị định số 79 thì chấp thuận để nghiệm thu về PCCC. Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa được kiểm định, có thể cho phép thi công bổ sung bằng lớp sơn chống cháy hoặc thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng, đã có kiểm định mẫu để bảo đảm giới hạn chịu lửa; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy… Có thể hướng dẫn lựa chọn một số loại sơn chống cháy đã được kiểm định mẫu như:…”
6. Đối với việc kiểm định cửa chống cháy, thạch cao chống cháy, kính chống cháy:
Ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.
Như vậy, hiện nay quy định pháp luật không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy theo từng dự án, công trình. Các chủ đầu tư có thể tự do lựa chọn các phương tiện PCCC được nhà sản xuất công bố đã được thử nghiệm, kiểm định mẫu đạt chất lượng theo quy định.
Phân loại cấu kiện xây dựng theo tính chịu lửa:
Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn. Thời điểm đạt tới giới hạn chịu lửa của các cấu kiện chịu lực và bao che trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn hoặc theo kết quả tính toán được xác định theo thời gian đạt tới một hoặc một số dấu hiệu nối tiếp nhau của các trạng thái giới hạn:
- Mất khả năng chịu lực (ký hiệu bằng chữ R);
- Mất tính toàn vẹn (ký hiệu bằng chữ E);
- Mất khả năng cách nhiệt (ký hiệu bằng chữ I) do nhiệt độ ở bề mặt không đốt nóng tăng đến giá trị giới hạn;
- Mất khả năng hạn chế bức xạ nhiệt (ký hiệu bằng chữ W) do thông lượng nhiệt ở khoảng cách quy định từ bề mặt không bị đốt nóng của cấu kiện/kết cấu đạt tới giá trị giới hạn.
CHÚ THÍCH 1: Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm chịu lửa theo TCVN 9311-1 đến TCVN 9311-8 hoặc các tiêu chuẩn tương đương hoặc bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa được áp dụng.
Giới hạn chịu lửa của các ống dẫn khói, không khí được xác định theo tiêu chuẩn ISO 6944 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các cấu kiện xây dựng cụ thể được quy định trong quy chuẩn này và trong các quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại công trình. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện xây dựng được ký hiệu bằng REI, REW, EI, EW, EIW, RE hoặc R kèm theo các chỉ số tương ứng về thời gian chịu tác động của lửa tính bằng phút. Ví dụ: cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là REI 120 nghĩa là cấu kiện phải duy trì được đồng thời cả ba khả năng: chịu lực, toàn vẹn và cách nhiệt trong khoảng thời gian chịu tác động của lửa là 120 phút; Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là R 60, thì cấu kiện chỉ phải duy trì khả năng chịu lực trong thời gian 60 phút, không yêu cầu về khả năng cách nhiệt và tính toàn vẹn.
CHÚ THÍCH 3: Một cấu kiện xây dựng được cho là bảo đảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
- Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật giống như mẫu thử nghiệm chịu lửa và mẫu này khi thử nghiệm có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
- Giới hạn chịu lửa của cấu kiện được xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa áp dụng không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
- Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật phù hợp với cấu kiện nêu trong Phụ lục F mà giới hạn chịu lửa danh định tương ứng cho trong phụ lục này không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
Bậc chịu lửa của nhà:
Bậc chịu lửa của nhà được xác định bởi giới hạn chịu lửa của các kết cấu/cấu kiện sử dụng để xây nhà.”
Bảng 4 – QC 06/2022/BXD: Sự phù hợp giữa bậc chịu lửa của nhà với giới hạn chịu lửa của cấu kiện
PHỤ LỤC F (Quy định) GIỚI HẠN CHỊU LỬA DANH ĐỊNH CỦA MỘT SỐ CẤU KIỆN
Trước sự yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt từ các cơ quan phòng cháy chữa cháy và sự thay đổi liên tục từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế, Trung tâm VNK tổ chức các khóa đào tạo thiết kế phòng cháy chữa cháy. Các bạn kỹ sư có mong muốn nắm vững mọi vấn đề liên quan đến PCCC tham khảo tại đây