Họng lấy nước dùng chữa cháy (thường được gọi là họng chữa cháy vách tườngHCCVT) là một trong những chi tiết thuộc hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong nhà. HCCVT là bộ phận quan trọng, phục vụ cho lấy nước, đảm bảo chữa cháy đủ lưu lượng và áp lực theo tính toán đối với các đám cháy bên trong nhà. Thông thường HCCVT được bố trí và lắp đặt theo tiêu chuẩn, tuy nhiên trong Tiêu chuẩn việt Nam (TCVN) và các tài liệu kỹ thuật không quy định và hướng dẫn cụ thể, nên trong quá trình bố trí, lắp đặt HCCVT trong thực tế còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đảm bảo đúng theo yêu cầu kỹ thuật phục vụ chữa cháy. Vì vậy rất cần có sự phân tích, đánh giá và thống nhất trong bố trí, lắp đặt HCCVT.

Để lắp đặt được một hệ thống cung cấp nước chữa cháy (CCNCC) bên trong nhà và công trình, cần phải thực hiện 2 nhiệm vụ:

  • Tính toán thiết kế theo các yêu cầu về lưu lượng, cột áp đảm bảo để chữa cháy.
  • Bố trí các bộ phận của hệ thống theo TCVN để đảm bảo thuận lợi và phù hợp khi sử dụng chữa cháy.

Tính toán cột áp họng chữa cháy vách tường

Về cột áp tại HCCVT được tính toán như sau: HHCCVT = hvòi + Hlăng

Trong đó: 

  • HHCCVT : Cột áp cần thiết tại HCCVT (m.c.m);
  • hvòi : Tổn thất cột áp trên đường vòi (m.c.m);
  • Hlăng : Cột áp cần thiết tại đầu lăng chữa cháy (m.c.m).

Thông thường khi lưu lượng nước tại họng chữa cháy vách tường là 2,5l/s (theo quy định tại TCVN 2622-1995) thì cột áp cần thiết tại HCCVT xấp xỉ 20 m.c.n., khi lưu lượng 5I/s -17 m.c.n. Như vậy theo tính toán thì bất kỳ họng chữa cháy vách tường ở các vị trí khác nhau hay ở cùng vị trí đều phải đảm bảo cột áp trên thì mới đáp ứng theo quy định trong TCVN.

Bố trí họng chữa cháy vách tường

Việc bố trí HCCVT được quy định từ điều 10.14 đến điều 10.20 trong TCVN 2622-1995, cụ thể: Bố trí họng chữa cháy trong nhà phải đảm bảo mỗi điểm của gian phòng có số họng nước chữa cháy đến như quy định trong Bảng 14.

Các họng chữa cháy bên trong nhà phải bố trí cạnh lối ra vào, trên chiếu nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang và những nơi dễ thấy, dễ sử dụng. Tâm của họng chữa cháy phải đặt ở độ cao 1,25m so với mặt sàn. Mỗi họng chữa cháy trong nhà phải có đặt van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm có đủ độ dài theo tính toán. Trong mỗi nhà, đường kính ống, chiều dài cuộn vòi mềm, đường kính lăng phải sử dụng cùng loại.

Trong thực tế, khi bố trí HCCVT, đơn vị thiết kế, thi công thường tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc bố trí họng chữa cháy vách tường chỉ đáp ứng được một trong hai yếu tố hoặc chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hoặc chỉ đáp ứng theo quy định trong TCVN. Đó là các trường hợp:

Đối với nhà cao tầng, việc bố trí họng chữa cháy vách tường tại các hầm để xe phải theo quy định trong Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) QCVN 08:2009/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – Công trình ngầm đô thị phần 2, Gara ôtô.

Theo đó, trong các gara ô tô ngầm, có khối tích khoang cháy trên 5000m3 phải bố trí HCCVT đảm bảo lưu lượng nước chữa cháy 5l/s, với lưu lượng này theo yêu cầu trong TCVN 4513-88 phải bố trí họng chữa cháy D65 (Đường kính ống 65mm), tuy nhiên theo quy định trong TCVN 2622-1995 không được phép bố trí HCCVT có đường kính khác nhau trong 1 tòa nhà. Để giải quyết vấn đề trên, khi lắp đặt người ta bố trí HCCVT “kép” (tại 1 điểm bố trí 2 HCCVT), việc bố trí này rất phổ biến tại các tòa nhà cao tầng có tầng hầm.

Hình ảnh trường hợp 1

Hình ảnh trường hợp 2

  • Trường hợp 1: Việc bố trí 2 HCCVT tại 2 độ cao khác nhau so với mặt sàn là không đúng theo quy định về bố ừí HCCVT (1,25m so với mặt sàn [1]), đồng thời cách bố trí này sai với nguyên tắc thủy lực dòng chảy, dẫn đến HCCVT 2 sẽ đảm bảo về lưu lượng và áp lực hơn HCCVT1 (thậm chí HCCVT1 không phun được do không đảm bảo áp lực và không đủ nước nước). Cách bố trí này cũng không giải quyết được vấn đề tại 1 điểm trong hầm, có 1 họng chữa cháy phun đến với lưu lượng 5I/s.

  • Trường hợp 2: Việc bố trí 2 HCCVT có độ cao bằng nhau so với mặt sàn, đúng theo quy định của TCVN. Tuy nhiên việc lắp 2 HCCVT này cũng giống trường hợp 1, nghĩa là khi HCCVT 2 phun thi HCCVT 1 không đảm bảo về lưu lượng và cột áp (do chiều dài ống từ điểm phân chia đến cửa ra cửa HCCVT1 và 2 khác nhau về chiều dài).

  • Việc bố trí HCCVT “kép” cũng thường được lắp đặt khi yêu cầu của TCVN phải có 2 HCCVT phun đến 1 điểm trong công trình [1], trong thực tế không phải khi nào cũng đảm bảo yêu cầu này, do các ống đứng thông tầng thường được bố trí trong các hộp kỹ thuật của công trình, hoặc công trình không có khả năng bố trí phân tán HCCVT (ví dụ: trong các khách sạn, tòa nhà văn phòng nhỏ, không gian sinh hoạt chung của 1 tầng không đủ rộng…). Khi đó tại 1 điểm sẽ bố trí 2 HCCVT:

hình ảnh TH 3,4

  • Trường hợp 3: cách bố trí HCCVT tương tự như trường hợp 1, cách bố trí này không đạt theo yêu cầu quy định của TCVN 2622- 1995 và các thông số kỹ thuật khác. Trong trường hợp này phải bố trí theo cách 4.

Nguyên nhân của việc lắp đặt như trên ngoài việc đơn vị thẩm duyệt, các đơn vị thiết kế, thi công phải giải quyết tình thế, sao cho đảm bảo đáp ứng đa số các yêu cầu của TCVN, còn do các đơn vị thi công muốn rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong thi công, lắp đặt. Để giải quyết dứt điểm thực trạng như đã đề cập ở trên, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện một số công việc sau:

  • Một là: Cần sửa đổi, bổ sung và thống nhất trong các quy định của QCVN, TCVN về bố trí, lắp đặt HCCVT. Cụ thể, nên sửa đổi quy định “Trong mỗi nhà, đường kính ống, chiều dài cuộn vòi mềm, đường kính lăng phải sử dụng cùng loại” thành “Trong mỗi khu vực cấp nước, đường kính ống, chiều dài cuộn vòi mềm, đường kính lăng phải sử dụng cùng loại”, để phù hợp hơn đối với các công trình có nhiều khu vực mà yêu cầu khác nhau về lưu lượng nước chữa cháy cho mỗi điểm trong công trình đó. Đồng thời cần tham khảo các tài liệu nước ngoài về bố trí 2 HCCVT tại một điểm, như “Bộ quy tắc số 10.13130.2009 – Hệ thống CCNCC bên trong – Yêu cầu kỹ thuật của Liên bang Nga” (Tài liệu tiếng Việt tại thư viện Đại học PCCC).
  • Hai là: Khi không đạt được giải pháp tối ưu, buộc phải lắp đặt HCCVT dạng “kép” nên tham khảo cách lắp đặt đúng kỹ thuật như sau:

hình ảnh TH 5

hình ảnh TH 6

Như hai trường hợp 5 và 6 ở trên, HCCVT vừa đảm bảo chiều cao so với mặt sàn, vừa đảm bảo nguyên lý phân phối đều của dòng chảy thủy lực đối với 2 HCCVT cùng một điểm kết nối với ống chính, đảm bảo áp lực theo quy định trong TCVN tại HCCVT.

  • Ba là: Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và ban hành các quy định về lắp đặt HCCVT dạng “kép”, đồng thời trong thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu các công trình về hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên trong, cần quan tâm hơn đối với các công trình có yêu cầu “2 họng chữa cháy phun đến 1 điểm” theo quy định trong TCVN 2622-1995.

________________
Trải nghiệm buổi học thử miễn phí khóa học “Kỹ sư M&E – Thiết kế hệ thống PCCC” giúp bạn nắm bắt tổng quan kiến thức về hệ thống PCCC.

________________

Trung tâm tặng bạn bộ tài liệu:” Bộ thuyết minh bản vẽ hệ thống PCCC Căn hộ khách sạn tổng hợp ” Tải về tài liệu Tại đây