Biện pháp an toàn lao động

Trước khi bắt đầu thi công, nhà thầu thành lập Ban An toàn lao động và tổ chức một đợt huấn luyện an toàn lao động cho toàn bộ nhân viên làm việc trong công trường. Toàn bộ cán bộ công nhân trên công trường đều phải ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động với công ty. Trong quá trình thi công, khi bổ sung thêm công nhân mới, nhà thầu sẽ đọc nội qui an toàn lao động cho công nhân mới đó nghe và yêu cầu ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Ngoài ra giao cho nhóm trưởng theo sát nhắc nhở công nhân mới cho đến khi công nhân mới đó quen với tác phong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.

Tất cả những công nhân làm việc trên cao đều phải đeo dây bảo hiểm an toàn. Dây bảo hiểm phải được neo vào các vị trí chắc chắn. Những sàn thao tác trên cao đều phải có lan can. Tất cả các lỗ thông sàn đều phải che đậy một cách chắc chắn.

Tại công trường, ngoài tủ thuốc cấp cứu, nhà thầu còn bố trí một Cán bộ hậu cần với đầy đủ các phương tiện sơ cứu thiết yếu nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Song song với các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, nhà thầu sẽ tiến hành mua bảo hiểm cho tất cả cán bộ và công nhân của mình trực tiếp tham gia thi công.

Nhà thầu sẽ bố trí hướng thi công từ dưới lên nhưng không bao giờ bố trí một bộ phận thi công phía trên và một bộ phận thi công phía dưới cùng một lúc. Điều này làm giảm khả năng tai nạn do vật rơi từ trên cao. Nhà thầu sẽ lên kế hoạch thi công dứt điểm từng khu vực, tránh tập kết quá nhiều vật tư tại vị trí làm việc ảnh hưởng đến việc đi lại và an toàn lao động cho mọi người. Trong trường hợp bất khả kháng thi công bên dưới khu vực nhiều khả năng có các vật rơi, nhà thầu sẽ lắp dựng mái che chắn tạm thời có kết cấu đủ chắc chắn để bảo vệ công nhân.

Các nguyên tắc thực hiện biện pháp an toàn:

Trước khi bắt đầu một công việc, nhà thầu sẽ phải quán triệt công nhân của mình buộc phải thực hiện một số công việc sau:

  • Nhóm trưởng phải báo cáo An toàn viên tại toà nhà đang thi công các mức độ nguy hiểm mà nhóm mình được giao. Nhóm trưởng và An toàn viên phải bàn bạc và thống nhất các biện pháp đảm bảo an toàn cho công việc đó.
  • An toàn viên phải kiểm tra lại các dây an toàn trước khi phát cho công nhân.
  • An toàn viên kiểm tra xem công nhân trong các nhóm của mình đã đầy đủ các phương tiện bảo hộ như quần áo, giày, mũ và găng tay hay chưa.
  • An toàn viên kiểm tra xem công nhân trong các nhóm của mình có ai say rượu hoặc tinh thần và sức khoẻ không đảm bảo.
  • Tất cả công nhân kiểm tra lại mức độ an toàn những công cụ cầm tay sử dụng điện mà mình vừa được giao như: cách điện vỏ có tốt không, dây điện và phích cắm có bị trầy xước hay không.
  • Khi hết giờ làm việc, các nhóm thi công phải tự thu dọn khu vực làm việc của mình. Tất cả các máy móc phục vụ thi công nếu không cất được vào kho thì phải cắt điện và có biện pháp che chắn khô ráo.

Công tác bố trí biển cảnh báo:

Tại tất cả các vị trí đang thi công, có máy thi công có thể nguy hiểm cho người qua lại …đều phải đặt biển báo “Đang thi công – Cấm vào” để tránh nguy hiểm cho những công nhân và người qua lại. Khi thi công xong thì phải thu ngay biển về.

Nhiệm vụ và trách nhiệm của từng vị trí về an toàn lao động.

Trách nhiệm của Trưởng ban An toàn lao động (chủ nhiệm công trình).

  • Chịu trách nhiệm chung về an toàn lao động tại công trường.
  • Phân công công việc cho các uỷ viên, an toàn viên về an toàn lao động.
  • Sắp xếp việc kiểm tra máy móc, thiết bị tại công trường theo yêu cầu của các bên hữu quan.
  • Tổ chức tuần tra, kiểm tra an toàn và kịp thời xử lý khi cần thiết.

Trách nhiệm của Phó Ban An toàn lao động.

  • Giải quyết các vấn đề về An toàn lao động khi Trưởng ban không có mặt tại công trình.
  • Giám sát chung việc thực hiện các biện pháp an toàn để báo cáo kịp thời cho Trưởng ban An toàn lao động.
  • Tổ chức họp Ban An toàn để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Trách nhiệm của Uỷ viên Ban An toàn (Giám sát công trình)

  • Đóng góp lời khuyên cho ban điều hành công trình về thủ tục an toàn dài hạn.
  • Giám sát các đội thi công về an toàn lao động.
  • Thực hiện việc kiểm tra an toàn lao động để đánh giá việc thi hành tiêu chuẩn an toàn lao động và thực hiện tiêu chuẩn an toàn lao động do ban điều hành về hoạch định chính sách đề ra, đề xuất biện pháp xử lý cho ban điều hành.
  • Tham gia việc đào tạo các khoá an toàn lao động cho cán bộ công nhân viên.
  • Soạn thảo và cập nhật tiêu chuẩn an toàn lao động.
  • Thúc giục mọi người phải tuân theo tiêu chuẩn an toàn lao động

Trách nhiệm An toàn viên (Tổ trưởng công trình).

  • Trực tiếp giám sát an toàn lao động tại toà nhà do mình phụ trách thi công.
  • Vị trí là ở ngoài công trường, quan sát để ý các hành vi hay điều kiện làm việc thiếu an toàn.
  • Chuẩn bị báo cáo kiểm tra hàng ngày và tiếp tục sử lý các vụ việc về công tác an toàn.
  • Trong thời gian giám sát vắng mặt, có thể đảm nhiệm nhiệm vụ của người giám sát.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác mà nội qui về an toàn lao động của công ty quy định.

Trách nhiệm của nhóm trưởng:

  • Duy trì công việc hàng ngày đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công.
  • Nhắc nhở các công nhân của mình chấp hành quy định An toàn lao động và Nội quy PCCC.
  • Báo cáo lên đội trưởng về tình hình thực hiện nội quy và bổ xung trang bị cho công tác An toàn lao động.

Trách nhiệm của công nhân.

  • Tuân thủ các thủ tục qui định, nội qui về an toàn lao động và báo cáo ngay các điều kiện lao động, thiết bị hay hành vi thiếu an toàn cho giám sát viên công trường.
  • Báo cáo mọi tai nạn hay sự cố nguy hiểm xảy ra cho đội trưởng công trường.
  • Tham gia mọi hoạt động an toàn lao động.
  • Bảo dưỡng thiết bị và dụng cụ sao cho luôn ở điều kiện hoạt động tốt, an toàn
  • Vận hành thiết bị máy móc chỉ khi các thiết bị trên hoạt động an toàn
  • Tham gia vào mọi đợt đào tạo an toàn lao động.

Biện pháp an ninh bảo vệ:

  • Toàn bộ tài sản của công trình được bảo quản và bảo vệ chu đáo. Công tác an ninh bảo vệ được đặc biệt chú ý, chính vì vậy trên công trường duy trì kỷ luật lao động, nội quy và chế độ trách nhiệm từ người chủ nhiệm công trường tới từng cán bộ công nhân viên. Có chế độ bàn giao rõ ràng, chính xác tránh gây mất mát và thiệt hại vật tư, thiết bị và tài sản nói chung.
  • Thường xuyên có đội bảo vệ trên công trường 24/24, buổi tối có điện thắp sáng bảo vệ khu vực đang thi công, kho tại công trình. Nhà thầu thường xuyên kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và các nhà thầu khác để bảo vệ an ninh chung cho công trình.
  • Thực hiện nghiêm túc các nội quy an toàn chung của công trình.

Biện pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị đã lắp đặt:

Đối với các căn hộ, nhà thầu chỉ lắp đặt thiết điện khi các nhà thầu về cửa đã hoàn thành việc lắp đặt cửa và có chìa khoá của từng căn hộ.

Khi thiết bị lắp đặt xong, nhà thầu sẽ thực hiện công tác bàn giao bảo vệ (người giữ các chìa khoá của các căn hộ). Và lực lượng bảo vệ của nhà thầu chỉ phối hợp cùng công tác quản ở vòng ngoài, kết hợp cùng với Ban Quản lý dự án và các  nhà thầu phụ khác. Các nhóm thi công khi làm việc tại căn hộ nào thì nhóm trưởng phải đăng ký với nhân viên bảo vệ tại căn hộ đó.

Mọi mất mát và rủi ro với thiết bị đã lắp đặt, nhân viên bảo vệ phải chịu trách nhiệm.

Biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường

Do thi công trong nội đô, xung quanh lại là nơi có mật độ dân cư đông đúc, nên để không làm ảnh hưởng tới môi trường trong khi thi công, nhà thầu đặc biệt chú trọng đến các giải pháp làm giảm tiếng ồn, bụi và phế thải.

Do việc lắp đặt đường ống được thi công sau khi công tác xây tường ngăn cách hoàn thành, nên nhà thầu sử dụng loại máy cắt có vòi nước hoặc loại máy cắt có hút bụi nhằm giảm thiểu tiếng ồn và bụi.

Tất cả các phế liệu sinh ra trong quá trình thi công như đầu mẩu ống, bao bì của thiết bị, mẩu dây sẽ được nhà thầu thu gom về một chỗ rồi chuyển đi.

Nhà thầu yêu cầu Cán bộ công nhân viên chấp hành đúng theo quy định vệ sinh công trường.

 Nhà thầu sẽ huấn luyện cho tất cả công nhân của mình có ý thức bảo vệ môi trường và vệ sinh công nghiệp. Mọi công nhân đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, các nhóm thi công đều phải mang theo xô đựng rác để thu gom phế thải sinh ra trong quá trình thực hiện công việc của mình, bố trí đổ rác đúng vị trí quy định của công trường.

Nhà thầu đảm bảo tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người lao động: nhà nghỉ tạm, nước uống phải đảm bảo vệ sinh, có nơi sơ cứu và phương tiện cấp cứu tai nạn.

Ngoài ra để thường xuyên nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, nhà thầu sẽ liên tục phát động các đợt thi đua giữa các tổ đội thi công về giữ gìn vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động.

Biện pháp phòng cháy chữa cháy

Cùng với đợt huấn luyện an toàn lao động cho công nhân khi bắt đầu bước vào thi công, nhà thầu cũng huấn luyện cho công nhân công tác phòng cháy chữa cháy. Tất cả mọi công nhân trên công trường đều được giác ngộ ý thức rằng thành quả lao động của họ và công ty sẽ chỉ có được khi ngày hôm nay luôn luôn giữ gìn và sẵn sàng đấu tranh với giặc lửa. Các thiết bị điện phải luôn luôn được kiểm tra về độ an toàn và cách điện.

Ban An toàn lao động thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc chấp hành nội quy về công tác an toàn về PCCC.

Nội quy phòng cháy chữa cháy

  • Chấp hành các quy chế, quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn về điện không để sẩy ra chạm chập gây cháy.
  • Không tự ý mắc nối điện để dùng, trong quá trình sử dụng các dây dẫn, phích cắm vv… nếu bị hỏng phải báo cáo với ban quản lý công trường để sửa chữa hoặc thay thế.
  • Không sử dụng điện quá công suất .
  • Không được mang chất nổ, chất đễ cháy vào khu vực thi công.
  • Tuyệt đối cấm đun nước bằng các dụng cụ điện tự tạo, cấm hút thuốc lá, thuốc lào, đun nấu trong khu vực thi công.
  • Nguyên vật liệu dễ cháy được quản lý cẩn thận, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, có nội quy cụ thể.
  • Ban An toàn lao động thường xuyên kiểm tra an toàn, kiểm tra các dụng cụ, phương tiện PCCC được trang bị.
  • Khi xẩy ra cháy mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm cứu người, cứu tài sản. Có ý thức bảo vệ hiện trường giúp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân cháy.
  • Cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC sẽ được khen thưởng, nếu xẩy ra cháy phải chịu trách nhiệm trước Công ty.
  • Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm phổ biến nội quy này đến từng cán bộ công nhân viên.

Nội quy công trường

  • Thời gian làm việc:
    • Sáng: Từ 7 giờ 00 đến 11 giờ 30.
    • Chiều: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30.
  • Những người không có nhiệm vụ không được vào công trình.
  • Công nhân ra vào công trình phải có thẻ ra vào. Trong giờ làm việc không ra vào tự do, không được đi lại ngoài phạm vi phân công.
  • Công nhân trước khi vào công trình phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động như quần áo, giấy, mũ.
  • Công nhân làm việc trên công trường phải được trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn lao động.
  • Không uống rượu, bia, tụ tập đánh bạc trên công trường.
  • Không đùa nghịch, tung ném dụng cụ, vật liệu hay bất cứ vật gì trong khu vực làm việc và từ trên cao xuống.
  • Không tự vận hành máy móc, thiết bị mà không được giao trách nhiệm.
  • Giữ gìn nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ. Hết giờ làm việc phải thu dọn vệ sinh mặt bằng thi công.
  • Không mang vật tư, vật liệu ra ngoài công trường.
  • Tuyệt đối tuân thủ Biện pháp an toàn lao động và Nội quy PCCC trong công trường.
  • Các phương tiện đi lại phải để đúng nơi quy định, khách đến tham quan, làm việc phải liên hệ với Ban chỉ huy công trình.
  • Mọi hành vi vi phạm nội quy đều bị kỷ luật khiển trách hoặc đuổi khỏi công trình.